Bán lẻ kỳ vọng khởi sắc từ 10.000 DN có kỹ năng số và thương mại điện tử
09:41 14-06-2022
VOV.VN - Các doanh nghiệp sẽ được trang bị kiến thức về thương mại điện tử, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng…
Báo cáo xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam do Amazon Global Selling Việt Nam công bố mới đây cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. “Nếu coi thương mại điện tử B2C (DN đến người tiêu dùng) như là 1 ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới”, Báo cáo này nhận định.
Thông qua việc khảo sát 300+ doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa Việt Nam, Báo cáo đã thu được phản hồi của 88% DN nhận định, TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới có doanh thu cao nếu có kỹ năng về thương mại điện tử và kinh tế số.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA - Bộ Công Thương), mục tiêu của iDEA là luôn thúc đẩy sự phát triển về TMĐT và kinh tế số Việt Nam. Để đạt được mục tiêu dài hạn này, việc trang bị cho DN và cộng đồng những thông tin, kiến thức cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai TMĐT và áp dụng ứng dụng kinh tế số là yếu tố vô cùng quan trọng.
“Sáng kiến TMĐT xuyên biên giới - kỷ nguyên bứt phá do Amazon khởi xướng được Bộ Công Thương bảo trợ nội dung là sáng kiến dành riêng cho DN Việt Nam, với chuỗi chương trình đào tạo chuyên sâu, các phương pháp tiếp cận linh hoạt phù hợp với định hướng của iDEA số nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi hoạt động trong ngành kinh tế số. iDEA sẽ hợp tác chặt chẽ với Amazon Global Selling Việt Nam cùng hỗ trợ DN nội địa nắm bắt cơ hội từ thị trường toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới”, ông Hải cho biết.
Là đối tác quan trọng của Sáng kiến TMĐT xuyên biên giới - kỷ nguyên bứt phá, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, Amazon Global Selling Việt Nam và iDEA đã cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu qua TMĐT.
“Thông qua sáng kiến này, các DN được trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời đây cũng là cầu nối giao thương giữa các DN Việt Nam và thế giới, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Gijae Seong bày tỏ.
Sáng kiến TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá dự kiến kéo dài 5 năm (từ 2022 – 2026) với chương trình đào tạo, tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến trên khắp cả nước. Tham gia chương trình các DN và nguồn nhân lực trẻ Việt Nam sẽ được đào tạo với 20+ khoá học đa dạng nội dung như TMĐT xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon…
Nhân lực của doanh nghiệp được trang bị kiến thức cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai TMĐT và áp dụng ứng dụng kinh tế số là yếu tố vô cùng quan trọng.
Theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, bên cạnh cơ hội phát triển, xuất nhập khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều DN xuất khẩu còn thiếu thông tin về thị trường nước ngoài, chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài, chưa chuẩn bị đầy đủ kỹ năng về TMĐT xuyên biên giới.
Chính vì vậy, với mong muốn mạnh mẽ hỗ trợ DN Việt Nam chuyển đổi số, trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt cơ thị trường từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hoá, Bộ Công Thương đã bảo trợ và hợp tác triển khai Sáng kiến TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá đến DN, địa phương, hiệp hội ngành hàng trên cả nước.
“Với sự hợp tác giữa iDEA và Amazon Global Selling Việt Nam, Sáng kiến hướng tới phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho khoảng 10.000 DN trong giai đoạn 2022-2026. Cùng với sự nỗ lực của nhiều phía, sáng kiến sẽ là tiền đề để Việt Nam có nhiều hơn nữa chương trình hỗ trợ DN trong hoạt động chuyển đổi số và đưa thương hiệu hàng hoá Việt đi khắp nơi trên thế giới qua TMĐT”, Thứ trưởng kỳ vọng.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy xuất khẩu, chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm giảm số lượng công việc và hồ sơ giấy. Nhờ vậy, tăng chất lượng dịch vụ công, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp DN xuất nhập khẩu tiết kiệm thời gian, công sức, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu./.
theo vov.vn